KỲ VỌNG HÌNH THÀNH ĐÁY NGẮN HẠN THÁNG 8
PHẦN I: VĨ MÔ VÀ THỊ TRƯỜNG
1- Diễn biến chỉ số:
Chỉ số VNMID và VNSML: Sau một nhịp giảm đáng kể, 02 chỉ số được kỳ vọng sẽ sớm hình thành đáy ngắn hạn trước khi đảo chiều ở lại. Vì vậy, việc rút chân ngay tại đáy tháng 04/2024 giúp thị trường lạc quan hơn về mong đợi trên.
2- Bức tranh chung kinh tế vĩ mô
Thế giới: Việc NHTW Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất chính sách từ 0 - 0,1% lên 0,25% và đề xuất sẽ tăng một lần nữa trong năm (kỳ vọng chung lãi suất sẽ tăng lên 0,5%), bên cạnh lộ trình giảm một nửa quy mô mua TPCP hàng tháng còn 3.000 tỷ Yên vào Q1/2026, đã gây bất ngờ cho thị trường tài chính (TTTC) toàn cầu. Chúng tôi cho rằng, thời gian tới đây bất cứ dữ liệu kinh tế mang tính định hướng chính sách (CPI, việc làm,…) ở Mỹ, Nhật hay EU được công bố, có thể ngây ra phản ứng tiêu cực tới thị trường toàn cầu, nếu những số liệu này gây bất ngờ so với kỳ vọng.
Việt Nam: Kinh tế vĩ mô tiếp tục sôi động, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ với PMI giữ vững ở 54,7 điểm trong tháng 7 và đây là tháng ghi nhận đà tăng sản lượng mạnh mẽ nhất của các nhà sản xuất kể từ tháng 3/2011. Tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm có thể khởi sắc hơn nhờ (1) Sản xuất, tiêu dùng phục hồi (2) Số lượng căn hộ chào bán ra thị trường phục hồi tốt (3) Nợ xấu tiếp tục được xử lý tích cực, tạo tiền đề cho tăng trưởng tín dụng phục hồi trong các tháng cuối năm.
Xuất nhập khẩu: Lũy kế 7T2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 439,1 tỷ USD, tăng 17,5% svck và ghi nhận cán cân thương mại thặng dư 14,18 tỷ USD (giảm 14% svck), so với kế hoạch thương mại cả năm 2024, hoạt động xuất khẩu đã hoàn thành được 60,3% kế hoạch. Nhiều nhóm hàng cũng duy trì đà tăng trưởng dương so với tháng trước có thể kể đến như: Cao su (tăng 24,7%); Gỗ & sản phẩm từ gỗ (tăng 10,7%); Dệt may (tăng 17,6%); Thủy sản (tăng 8,9%); ….
3- Thị trường trái phiếu
Tháng 7 ghi nhận hơn 3,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn được công bố giãn thời hạn thanh toán (chiếm 22% trong tổng số 12,3 nghìn tỷ đồng dư nợ ban đầu). Đáng chú ý, khoảng 50% giá trị chậm trả (hơn 2 nghìn tỷ đồng) thuộc về các lô trái phiếu phát hành bởi Novaland vào năm 2020, đã từng gia hạn một lần trước đó khi đáo hạn lần đầu vào tháng 7 năm 2023. Hiện tại, các lô trái phiếu này đã được đàm phán gia hạn nợ đến tháng 7 năm 2025.
PHẦN II: ĐIỂM NHẤN THÁNG 8
Ngành ngân hàng: chúng tôi vẫn nhận thấy rằng, các ngân hàng chủ động trích lập dự phòng sớm, có chất lượng tài sản tốt sẽ có lợi thế rất cao để ghi nhận KQKD tốt trong thời gian tới.
Bức tranh lợi nhuận toàn thị trường: LNST – cổ đông công ty mẹ của 1.585 doanh nghiệp đã công bố BCTC Quý 2 đạt 129 nghìn tỷ đồng, tăng 18,13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khoảng 105 nghìn tỷ đồng lợi nhuận được đóng góp bởi các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE (hơn 80% lợi nhuận 3 sàn) cùng mức tăng trưởng khiêm tốn hơn với 15,19%.
Các nhóm ngành đáng chú ý với sự tăng trưởng lợi nhuận và định giá còn rẻ so với các nhóm ngành còn lại: Ngân hàng và bất động sản dân dụng.