Hướng dẫn xem và đọc đồ thị nến
Biểu đồ nến Nhật thường sử dụng trong phân tích thị trường chứng khoán để mô tả biến động giá trong một phiên giao dịch cụ thể. Hiểu cách phân tích đồ thị nến Nhật giúp bạn đưa ra dự báo giá chính xác và tối ưu lợi nhuận.
I. Biểu đồ nến Nhật là gì?
Biểu đồ nến Nhật được sáng tạo vào thế kỷ 18, bởi ông Munehisa Homma. Ông là một thương nhận và đã sử dụng đồ thị nến biểu thị cho giá gạo tại Nhật Bản để phân tích tình hình các yếu tố kinh tế, thời tiết, chính sách của nhà nước, từ đó tìm ra quy luật của biến động giá gạo.
Chính vì thế, Munehisa Homma có lúc gần như kiểm soát thị trường gạo Nhật Bản. Nhờ thành công này mà đồ thị nến của Munehisa Homma trở nên phổ biến và được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia phương Tây.
Trong chứng khoán hiện nay, thuật ngữ “biểu đồ nến Nhật” hay “mô hình nến Nhật” được sử dụng với mục đích mô tả hành động giá cả và tâm lý của các trader, nhà đầu tư nhờ vào 4 thông tin xuất hiện trong 1 phiên giao dịch.
Hàng ngày, trader và các nhà đầu tư phải phân tích biểu đồ nến nhằm xác định xu hướng giá cả thị trường, dự đoán xu hướng đó mạnh hay yếu và tìm kiếm điểm vào lệnh, chốt lời, cắt lỗ.
II. Cấu tạo nến chứng khoán
Biểu đồ nến gồm nhiều cây nến khác nhau, mỗi cây nến thể hiện sự biến động của giá trong một khoảng thời gian nhất định (hay còn gọi là khung thời gian), bao gồm:
Giá mở cửa: Open price (O)
Giá đóng cửa: Close price (C)
Giá cao nhất: High price (H)
Giá thấp nhất: Low price (L)
Lưu ý: biểu đồ nến có thể được tạo trên nhiều khung thời gian khác nhau. Số lượng nến và hình dáng nến sẽ thay đổi, chi tiết và nhiều thông tin hơn trên các khung thời gian nhỏ hơn.
Ví dụ một cây nến h1 (khung thời gian 1 giờ) sẽ được biểu thị bằng 4 cây nến m15 (khung thời gian 15 phút)
Mỗi nến chứng khoán, tương tự như một cây nến thực tế, được cấu tạo từ hai thành phần cơ bản là thân nến và râu nến (bấc nến). Tùy vào biến động giá mà nến được chia làm hai loại là nến tăng – bullish candle(màu xanh) và nến giảm – bearish candle (màu đỏ)
III. Cách đọc nến trong chứng khoán
Thân nến
Thường là thành phần lớn nhất được tô màu biểu trưng cho sự tăng giảm của giá, là khoảng cách giữa giá đóng cửa và giá mở cửa.
Thân nến càng dài cho thấy lực mua/ lực bán mạnh hay động lượng tăng/giảm mạnh. Với nến xanh, giá mở cửa thấp (giảm) nhưng sau đó lực mua tăng mạnh vào cuối phiên, phe mua áp đảo phe bán, đóng cửa tăng điểm tạo nến bullish – màu xanh. Ngược lại, nếu phe bán áp đảo, giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa sẽ tạo cây nến bearish – màu đỏ.
Thân nến ngắn cho thấy thị trường đang chững lại, cả lực mua và bán đều đang yếu. Hai phe đều đang lưỡng lự chưa quyết định thể hiện tình trạng do dự của thị trường (sẽ được mô tả chi tiết trong phần nến doji)
Bóng nến
Hay còn gọi là râu nến là 2 que nhỏ nằm ở trên và dưới thân nến.Râu nến dài cho thấy sự cạnh tranh giữa phe mua và phe bán..Cả 2 phe đều mua bán mạnh khiến giá tăng giảm liên tục. Cần quan tâm đến đỉnh của bóng nến (giá cao nhất/thấp nhất) để đánh giá các mức cản (ngưỡng hỗ trợ, ngưỡng kháng cự).
Đỉnh mỗi bóng nến tương ứng với giá cao nhất (High) và thấp nhất (Low) trong một phiên giao dịch.
Tương ứng với giá vào giờ mở cửa (Open), giá vào giờ đóng cửa (Close) thể hiện ở 2 đỉnh của thân nến. Với thân nến tăng (màu xanh) thì giá mở cửa nằm ở dưới, giá đóng cửa nằm ở trên (do giá tăng lên). Với thân nến giảm (màu đỏ) thì ngược lại.