PHÂN TÍCH VĨ MÔ: CÁC CHỈ SỐ TÀI CHÍNH VĨ MÔ (P2)
1. Tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái là mức giá mà tại đó một đồng tiền quốc gia được trao đổi với một đồng tiền khác. Tác động của tỷ giá hối đoái trong Kinh tế vĩ mô:
Ảnh hưởng đến thương mại quốc tế: Tỷ giá tăng khiến hàng hóa xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn và hàng nhập khẩu rẻ hơn, làm thay đổi cán cân thương mại.
Tác động đến đầu tư: Tỷ giá biến động mạnh có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến dòng vốn FDI (Foreign Direct Investment – Đầu tư trực tiếp nước ngoài).
Liên quan đến chính sách tiền tệ: Chính phủ và ngân hàng trung ương thường can thiệp vào thị trường ngoại hối để duy trì tỷ giá ổn định.
2. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI)
Chỉ số PMI (Purchasing Managers' Index) là một chỉ số kinh tế được sử dụng để đo mức độ hoạt động của ngành sản xuất và dịch vụ trong một nền kinh tế. PMI được tính toán từ việc khảo sát các quản lý mua hàng về mức độ hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp, cửa hàng và các dịch vụ.
Đo lường tình hình kinh tế: Chỉ số PMI được sử dụng để đánh giá tốc độ tăng trưởng hoặc suy yếu về dịch vụ sản xuất của một công ty hoặc một quốc gia. Nếu chỉ số PMI lớn hơn 50, tình hình sản xuất đang phát triển và hoạt động sản xuất được mở rộng. Ngược lại, nếu chỉ số PMI nhỏ hơn 50, các hoạt động kinh doanh đang thu hẹp. Chỉ số PMI cũng được sử dụng để đánh giá các chỉ số khác như GDP, CPI.
Quyết định quản lý thu mua hàng hóa: Chỉ số PMI là căn cứ để quản lý thu mua đưa ra các quyết định mua hàng hóa phục vụ sản xuất. Dựa trên chỉ số PMI, họ có thể đánh giá tổng số lượng hàng hóa, mức giá sản phẩm cũng như các yếu tố khác có liên quan. Chẳng hạn, khi nhận được đơn đặt hàng, họ sẽ quyết định sản xuất dựa trên tổng số lượng sản phẩm được đặt hàng. Khi kiểm tra hàng tồn kho, họ sẽ nhận biết được số lượng sản phẩm hiện có và cần bổ sung bao nhiêu sản phẩm để hoàn thiện đơn hàng. Từ đó, họ có thể cân đối lượng sản phẩm để hoàn thành đơn hàng và dự trữ sản phẩm sẵn có cho kinh doanh trong thời gian tiếp theo.
Tác động lên các đơn vị cung ứng: Chỉ số PMI được các đơn vị cung ứng sử dụng để ước lượng lượng nhu cầu sản phẩm và đưa ra chiến lược điều chỉnh giá phù hợp với thị trường. Khi số lượng đặt hàng tăng, nhu cầu mua hàng tăng cao, các đơn vị cung ứng có thể tăng giá sản phẩm, kéo theo sự tăng giá của các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu. Ngược lại, khi số lượng đặt hàng giảm, nhu cầu mua hàng giảm, các đơn vị cung ứng có thể giảm.
3. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Chỉ số giá tiêu dùng CPI là chỉ số dùng để đo lường số tiền trung bình một người dân sử dụng để tiêu dùng các loại hàng hóa và dịch vụ. Chỉ số CPI phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá theo thời gian của các mặt hàng trong rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đại diện.
Ý nghĩa chỉ số CPI
Chỉ số CPI phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá cả hàng hóa và dịch vụ. Như vậy, khi CPI tăng thì giá trung bình của hàng hóa và dịch vụ tăng và ngược lại, khi CPI giảm thì mức chi tiêu trung bình của người dân cho hàng hóa và dịch vụ giảm.
Chỉ số CPI là thước đo để xác định nền kinh tế đang trong giai đoạn lạm phát hoặc giảm phát. Chính phủ và các nhà quản lý kinh tế thường theo dõi sát sao dữ liệu CPI để hoạch định, điều chỉnh các chính sách để nền kinh tế đi đúng hướng.
Đối với doanh nghiệp, việc theo dõi chỉ số CPI giúp các doanh nghiệp đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình chi tiêu của người dân. Khi CPI tăng, giá trung bình của hàng hóa tăng, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh việc bán hàng và tích trữ thêm tồn kho để cung ứng thị trường. Ngược lại, khi CPI giảm, giá trung bình của hàng hóa giảm, doanh nghiệp sẽ hạn chế gia tăng tồn kho.