Thị trường chứng khoán là gì?
I. Chứng khoán là gì?
Chứng khoán được coi là một loại hàng hóa đặc biệt nó xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người đang sở hữu nó đối với tài sản hoặc một phần vốn góp của doanh nghiệp phát hành. Chứng khoán được thể hiện thông qua các hình thức như chứng chỉ, bút toán ghi sổ hay dữ liệu điện tử.
II. Phân loại Chứng khoán
Chứng khoán hiện nay đang được chia làm 3 loại phổ biến nhất:
Chứng khoán Vốn
Chứng khoán vốn đây được coi là cổ phiếu phổ thông. Loại chứng khoán sẽ được công ty cổ phần phát hành để huy động vốn đồng thời nó cũng thể hiện quyền sở hữu một phần vốn góp, tài sản công ty của cổ đông nắm giữ
Nhà đầu tư sở hữu chứng khoán vốn sẽ được chi trả cổ tức trong điều kiện công ty hoạt động kinh doanh có lãi, ngoài ra nhà đầu tư cũng sẽ được hưởng lợi từ việc bán cổ phiếu do sự chênh lệch giá (mua thấp bán cao). Bên cạnh đó, nhà đầu tư nắm giữ chứng khoán vốn cụ thể ở đây là cổ phiếu thường cũng có quyền tham gia biểu quyết các hoạt động quan trọng của công ty.
Trong trường hợp công ty phát hành chứng khoán vốn phá sản hay giải thể thì cổ đông sẽ nhận lại được khoản tiền dựa trên tỷ lệ cổ phần nắm giữ sau khi công ty đã thanh toán xong các khoản nợ. Chứng khoán vốn đa phần sẽ được phát hành dưới dạng cổ phiếu ưu đãi, cổ phiếu thường hay chứng chỉ Quỹ…
Chứng khoán Nợ
Chứng khoán nợ hay trái phiếu là loại chứng khoán dùng để xác nhận mối quan hệ giữa người cho vay và người đi vay. Khi bạn sở hữu trái phiếu của công ty, điều đó thể hiện bạn đang là chủ nợ và buộc công ty phải có trách nhiệm hoàn trả khi đến hạn. Trên chứng khoán nợ thể hiện rõ số tiền cho vay, lãi suất, kỳ hạn và cả thời gian đáo hạn…
Trong trường hợp không may công ty phá sản thì trái chủ sẽ được ưu tiên thanh toán trước sau đó mới chi trả cho chủ sở hữu các loại chứng khoán khác như cổ phiếu ưu đãi và cổ phiếu thường. Hiện nay chứng khoán nợ đang được phát hành dưới dạng trái phiếu (gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp), hay chứng chỉ tiền gửi (CD), và cả chứng khoán được thế chấp,…. Những loại chứng khoán này đang có số lượng giao dịch tương đối lớn trên thị trường chứng khoán.
Chứng khoán Phái sinh
Chứng khoán phái sinh hiểu đơn giản là một hợp đồng tài chính được thiết lập để xác nhận quyền và nghĩa vụ giữa các bên ở thời điểm hiện tại, về một giao dịch sẽ được thực hiện vào một thời điểm xác định trước trong tương lai.
Hiện nay, ở thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đang có 2 loại chứng khoán phái sinh:
Hợp đồng tương lai chỉ số VN30
Hợp đồng tương lai của Trái phiếu chính phủ
Trong đó, HĐTL chỉ số VN30 được giao dịch phổ biến, còn HĐTL Trái phiếu Chính phủ thì ít được giao dịch hơn, mà chủ yếu là các tổ chức tự thực hiện giao dịch với nhau.
Thông thường, chứng khoán phái sinh luôn tiềm ẩn mức rủi ro cao hơn rất nhiều so với chứng khoán cơ sở.
III. Thị trường chứng khoán là gì?
Thị trường chứng khoán được hiểu là một nơi tập hợp những trao đổi mua bán và giao dịch các loại chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu. Không như những hàng hóa thông thường khác, chứng khoán được giao dịch chủ yếu là tại các sở giao dịch chứng khoán hoặc thông qua các công ty chuyên môi giới về chứng khoán.
Hiện nay có hai sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất cả nước là sàn HNX (sở giao dịch chứng khoán Hà Nội) và sàng HOSE (Sở giao dịch chứng khoán TP HCM).
IV. Cấu trúc thị trường chứng khoán
Có nhiều loại cấu trúc thị trường chứng khoán khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của các nhà đầu tư. Cùng tìm hiểu về cơ cấu thị trường chứng khoán qua một số cách phân loại thông thường dưới đây:
Căn cứ vào phương thức giao dịch
Thị trường giao dịch tập trung: chính là Sở giao dịch chứng khoán, nơi người mua và người bán (hoặc môi giới của họ) gặp trực tiếp để giao dịch chứng khoán.
Thị trường phi tập trung: Thị trường OTC - thị trường của các nhà buôn, những người sở hữu một danh mục chứng khoán và họ sẵn sàng mua và bán với các nhà buôn khác khi giá cả được đồng thuận. Thị trường OTC không có trụ sở giao dịch chính thức mà giao dịch được diễn ra tại các sàn giao dịch của các thành viên trên thị trường bằng cách gọi điện thoại hay qua mạng máy tính với diện rộng. So với Sở giao dịch thì khối lượng giao dịch của thị trường OTC thường lớn hơn nhiều lần.
Căn cứ vào hàng hóa trên thị trường
Thị trường cổ phiếu: Nơi giao dịch các loại cổ phiếu, bao gồm cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi.
Thị trường trái phiếu: Nơi giao dịch các loại trái phiếu đã phát hành, bao gồm trái phiếu công ty, trái phiếu đô thị, và trái phiếu chính phủ.
Thị trường chứng khoán phái sinh: Nơi phát hành và mua bán nhiều lần các chứng từ tài chính khác như: chứng quyền, hợp đồng quyền chọn, quyền mua cổ phiếu.
Căn cứ vào sự lưu chuyển vốn
Thị trường sơ cấp: được coi là nơi duy nhất mà chứng khoán đem lại nguồn vốn trực tiếp cho nhà phát hành chứng khoán. Nhà phát hành chứng khoán cũng chính là người có quyền quyết định mức giá chứng khoán để giao dịch trên thị trường sơ cấp. Người bán trên thị trường sơ cấp thông thường sẽ là ngân hàng nhà nước, kho bạc, công ty phát hành, hoặc các tập đoàn bảo lãnh phát hành,...
Thị trường thứ cấp: là nơi tự do mua bán chứng khoán nhiều lần với các mức giá khác nhau sau khi mua ở thị trường sơ cấp. Thị trường thứ cấp không trực tiếp đem lại nguồn vốn cho nhà phát hành. Việc nắm được các cấu trúc thị trường chứng khoán phổ biến trên đây sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng phân loại thị trường chứng khoán và xác định thị trường một cách tốt nhất cho các giao dịch của mình.
Việc nắm được các cấu trúc thị trường chứng khoán phổ biến trên đây sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng phân loại thị trường chứng khoán và xác định thị trường một cách tốt nhất cho các giao dịch của mình.