PHR – Quy hoạch chung đã được chấp thuận là nền tảng để hiện thực hóa câu chuyện chuyển đổi đất
Doanh thu thuần của PHR đạt 272 tỷ đồng, tăng 146% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 45% so với cùng kỳ, do không ghi nhận thu nhập từ thanh lý cây cao su như năm trước.
Trong nửa cuối năm, PHR dự kiến đạt doanh thu 992 tỷ đồng, (+8YoY%), LNST cổ đông công ty mẹ đạt 426 tỷ đồng (+56%YoY). Các yếu tố tạo ra sự tăng trưởng trong nửa cuối năm so với cùng kỳ bao gồm (1) Giá cao su neo giữ ở mức cao so với cùng kỳ, (2) Kinh doanh dự án NTC 3 sẽ đóng góp đáng kể vào lãi/(lỗ) liên doanh liên kết, (3) Thu nhập bồi thường từ VSIP III kỳ vọng tăng mạnh khi dự án hoàn tất bàn giao đất cho khách hàng, (4) hoạt động thanh lý cây cao su sẽ ghi nhận trong nửa cuối năm. Cho cả năm 2024, tổng doanh thu PHR ước đạt 1.587 tỷ đồng (+17,4%YoY), LNST đạt 564 tỷ đồng (-9%YoY). ESP tương ứng là 4.161VNĐ.
Quy hoạch chung tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, và khu xử lý chất thải, trong đó có kế hoạch chuyển đổi 4.575 ha đất cao su của PHR. Đến 2030, chúng tôi duy trì kỳ vọng dự án KCN Tân Lập 1 (PHR sở hữu 51%), KCN Lai Hưng (600ha), Khu xử lý chất thải rắn Tân Long (400 ha) là những dự án tiếp theo đủ điều kiện để xin chủ trương đầu tư. Qua đó, PHR có thể nhận được tiền đền bù khi các dự án này được thu hồi để phát triển dự án.
Cập nhật KQKD quý 2 và nửa đầu năm 2024 – Giá cao su phục hồi là điểm sáng
Trong quý 2 năm 2024, PHR ghi nhận doanh thu thuần đạt 272 tỷ đồng, tăng 146% so với cùng kỳ năm trước, LNST cổ đông công ty mẹ đạt 65 tỷ đồng (-45% YoY). Mặc đù, lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính (30 tỷ đồng, +32%YoY) có sự cải thiện đáng kể do hưởng lợi từ giá cao su tăng cao so với cùng kỳ (hình 1), LNST của PHR vẫn ghi nhận sự suy giảm so với cùng kỳ (65 tỷ đồng, -47%YoY), chủ yếu đến từ việc PHR không ghi nhận lợi nhuận từ thanh lý cây cao su vào khoản mục thu nhập khác như cùng kỳ quý 2/2023 (~70 tỷ đồng). Bên cạnh đó, thu nhập tài chính bị ảnh hưởng do (1) mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm so với cùng kỳ làm ảnh hưởng đến thu nhập lãi và (2) NTC chưa trả tiền cổ tức như cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế nửa đầu năm 2024, doanh thu và LNST cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 595 tỷ đồng (+36,3% YoY) và 138 tỷ đồng (-61%YoY). Ngoài những vấn đề ảnh hưởng lợi nhuận trong quý 2 kể trên, nguyên nhân khiến LNST trong 1H2024 có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ đến từ việc mức nên cao của cùng kỳ năm trước được đóng góp bởi khoảng tiền đền bù đất (200 tỷ đồng) từ dự án VSIP III.
Trong nửa cuối năm 2024 (2H2024), các yếu tố hỗ trợ sự hồi phục bao gồm (1) các mảng kinh doanh chính tiếp tục củng cố chủ yếu nhờ vào giá cao su được duy trì ở mức cao so với cùng kỳ, (2) NTC có thể bàn giao đất cho khách hàng đã đặt cọc sau khi hoàn thành các nghĩa vụ pháp lý đất đai, qua đó đóng góp đáng kể vào lợi nhuận liên doanh liên kết, (3) Thu nhập bồi thường từ VSIP III (PHR được hưởng 20% lợi nhuận gộp từ doanh số bán đất dự án VSIP III) khi hợp đồng với Pandora, Giant, Protron Electrical, Vorxen Electrical, Zintech, D.MAG Việt Nam đã hoàn tất quá trình thành lập doanh nghiệp, đủ cơ sở để ký hợp đồng chính thức và hoàn tất thương vụ trong nửa cuối năm, và (4) hoạt động thanh lý cây cao su (ước tính 300 ha, tương ứng ~70 tỷ đồng) sẽ diễn ra trong 2H2023. Theo đó, doanh thu trong 2 quý cuối năm ước đạt 992 tỷ đồng (+8%YoY,), LNST cổ đông công ty mẹ đạt 426 tỷ đồng (+56%YoY). Cho cả năm 2024, tổng doanh thu PHR ước đạt 1.587 tỷ đồng (+17,4%YoY), LNST đạt 564 tỷ đồng (-9%YoY). ESP tương ứng là 4.161VNĐ.
Quy hoạch chung tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được chấp thuận là nền tảng để hiện thực hóa câu chuyện chuyển đổi đất
Vào ngày 3/8/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của quy hoạch là phát triển Bình Dương thành một trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ hiện đại, có tầm vóc khu vực và quốc tế, đồng thời trở thành đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia. Theo quy hoạch này, vị trí và diện tích của các dự án như khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), khu xử lý chất thải rắn, khu nghĩa trang và cơ sở hỏa táng đã được quy định rõ ràng. Trong đó, kế hoạch chuyển đổi 4.575 ha cao su của PHR đã được chúng tôi tổng hợp thống kê lại trong các bảng dưới đây. Đến 2030, chúng tôi duy trì kỳ vọng dự án KCN Tân Lập 1 (PHR sở hữu 51%), KCN Lai Hưng (600ha), Khu xử lý chất thải rắn Tân Long (400 ha) là những dự án tiếp theo đủ điều kiện để xin chủ trương đầu tư. Qua đó, PHR có thể nhận được tiền đền bù khi ba dự án này được thu hồi để phát triển dự án.