CHỈ BÁO MACD LÀ GÌ? ỨNG DỤNG CỦA MACD TRONG TRONG GIAO DỊCH
MACD là một chỉ báo kỹ thuật quen thuộc với các trader và nhà đầu tư chứng khoán. Nắm được cách sử dụng đường MACD để phân tích thị trường sẽ giúp giao dịch chính xác và hiệu quả.
MACD là gì?
MACD là cách viết tắt của cụm từ Moving Average Convergence Divergence có nghĩa Trung bình động hội tụ phân kỳ. Đường MACD là chỉ báo kỹ thuật được tạo ra bởi cố vấn đầu tư chuyên nghiệp Gerald Appel vào năm 1979.
Chỉ báo này giúp cung cấp các biến động của thị trường, hỗ trợ nhà đầu tư chứng khoán xác định tín hiệu mua bán của thị trường. Để xác định đường MACD, nhà đầu tư cần dựa vào độ chênh lệch của hai đường trung bình động (EMA) 12 ngày và 26 ngày.
Công thức tính MACD
Công thức để xác định chỉ báo MACD là:
MACD = EMA (12) – EMA (26)
- MACD sẽ mang giá trị dương khi giá trị trung bình trượt chu kỳ 12 ngày lớn hơn giá trị trung bình trượt chu kỳ 26 ngày.
- MACD sẽ có giá trị âm khi giá trị trung bình trượt chu kỳ 12 ngày nhỏ hơn giá trị trung bình trượt chu kỳ 26 ngày.
Các thành phần cấu tạo nên chỉ báo MACD
Chỉ báo MACD được cấu tạo từ bốn thành phần chính là đường MACD, đường tín hiệu, biểu đồ và đường zero. Mỗi thành phần lại mang đặc điểm và ý nghĩa khác nhau.
- Đường MACD có vai trò xác định xu hướng giá của thị trường, giá trị của nó được tính bằng hiệu số của hai đường trung bình hàm mũ EMA (12) và EMA (26).
- Đường tín hiệu Signal cũng chính là đường EMA (9) của đường MACD. Khi hai đường này phối hợp cùng nhau là lúc chúng dự báo một xu hướng đảo chiều sắp diễn ra và các nhà đầu tư nên tận dụng thời điểm này để thực hiện giao dịch một cách có lợi nhất.
- Biểu đồ Histogram là biểu đồ thể hiện sự phân kỳ và hội tụ nhờ xác định độ chênh lệch giữa đường MACD và đường tín hiệu.
- Đường Zero đóng vai trò là đường tham chiếu giúp nhà đầu tư đánh giá xu hướng thị trường mạnh hay yếu.
Cách sử dụng MACD trong giao dịch đầu tư chứng khoán
1. Đường MACD cắt lên đường Zero
- Khi Đường MACD cắt đường Zero từ dưới lên, xu hướng tăng cho tín hiệu mua.
- Khi Đường MACD cắt đường Zero từ trên xuống, cho tín hiệu bán.
Tuy nhiên, việc kết hợp đường MACD và đường Zero sẽ có độ trễ khi giá đã có xu hướng tăng hoặc đã giảm.
2. Đường MACD cắt đường Tín Hiệu
Khi đường MACD cắt đường tín hiệu và có xu hướng đi từ dưới lên trên đường zero, cho dấu hiệu xu hướng tăng diễn ra => tín hiệu mua.
Ngược lại, khi đường MACD cắt đường tín hiệu và có xu hướng đi từ trên đường zero xuống, dấu hiệu xu hướng giảm diễn ra => tín hiệu bán.
Việc dùng điểm cắt giữa đường MACD và đường tín hiệu sẽ có ích trong việc nhận biết sớm được điểm mua/bán, nhưng ở những vùng mà đường tín hiệu và đường MACD sát nhau sẽ gây khó khăn trong việc nhận biết xu hướng tiếp diễn.
3. Sử dụng Histogram
Đường Histogram dùng để đo khoảng cách giữa đường MACD và đường Tín Hiệu được thể hiện bằng các trụ tiến lên trên hoặc dưới đường zero.
Khi đường Histogram có dấu hiệu chuyển từ âm (-) sang dương (+), xu hướng tăng diễn ra => cho tín hiệu mua.
Ngược lại, khi Histogram chuyển từ dương sang âm, xu hướng giảm diễn ra => cho tín hiệu giảm.
Việc xử dụng Histogram khá đơn giản, nhưng sẽ có rất nhiều điểm yếu khi trong xu hướng tăng histogram sẽ bị nhiễu bởi vô số những lần chuyển từ âm sang dương và ngược lại, khiến cho việc nắm bắt được xu hướng tiếp diễn rất khó khăn.
4. Chỉ báo MACD phân kỳ
Chỉ báo MACD phân kỳ dùng để xác định xu hướng đảo chiều. Khi giá có xu hướng tăng và tạo đỉnh mới nhưng MACD lại có xu hướng giảm => đảo chiều thành xu hướng giảm.
Ngược lại, khi giá có xu hướng giảm và tạo đáy mới, MACD có xu hướng tăng => đảo chiều thành xu hướng tăng.