BÁO CÁO NGÀNH HÀNG KHÔNG
I. Kết quả kinh doanh 2024
1. Tình trạng quá tải đang diễn ra tại nhiều Cảng hàng không chủ chốt
Tình trạng quá tải tại các cảng hàng không lớn ở Việt Nam, đặc biệt là Tân Sơn Nhất và Nội Bài ngày càng trở nên nghiêm trọng trong những năm gần đây. Nguyên nhân chính do lưu lượng hành khách và hàng hóa gia tăng nhanh chóng trong khi các dự án nâng cấp cảng, xây dựng hệ thống giao thông kết nối hiệu quả triển khai chậm. Việc chậm trễ trong nâng cấp, mở rộng hạ tầng cảng hàng không có thể ảnh hưởng tới đà tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam trong ngắn và trung hạn.
2. KQKD đều có sự tăng trưởng tích cực
Các doanh nghiệp dịch vụ và vận tải hàng không đều ghi nhận diễn biến KQKD tích cực so với cùng kỳ 2023, hầu hết tất cả các doanh nghiệp trong nhóm ngành đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng từ 20 – 50% và mức biên lợi nhuận gộp tăng đáng kể (trừ NCT do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp dịch vụ hàng hóa tại Nội Bài khá gay gắt, cũng như tăng tỷ trọng xử lý hàng hóa giá trị thấp) nhờ: sản lượng hàng hóa qua cảng hàng không tăng trưởng mạnh do hoạt động thương mại phục hồi, giá dịch vụ tương đối ổn định, có điều chỉnh tăng nhẹ ở một số loại dịch vụ, lượng khách quốc tế - lượng khách đem lại doanh thu và lợi nhuận/lượt khách cao hơn khách nội địa – tăng nhanh, tỷ trọng khách quốc tế cao hơn giúp cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
II. Triển vọng ngành 2025
1. Động lực tăng trưởng từ nhóm khách quốc tế
Tăng trưởng về lượng hành khách hàng không dự kiến sẽ đến từ cả nhóm khách nội địa và quốc tế, tuy nhiên nhóm khách quốc tế sẽ có sự phục hồi mạnh hơn.
Cụ thể, nhóm khách nội địa sẽ có sự phục hồi nhẹ trong 2025 so với 2024 do một phần tàu bay gửi đi đại tu sẽ bắt đầu quay về hoạt động trở lại, tuy nhiên do vẫn còn tàu bay chưa sửa chữa sẽ tiếp tục được gửi về nhà sản xuất trong 2025, chúng tôi ước tính tốc độ hồi phục trong 2025 tương đối chậm và sẽ tăng tốc bền vững trở lại từ 2026 do: toàn bộ tàu bay dự kiến sẽ hoàn thành sửa chữa động cơ bay và quay về hoạt động bình thường và đà tăng trưởng du lịch hàng không nội địa dài hạn đến từ đặc điểm dân số cao và GDP bình quân đầu người tăng trưởng ổn định qua các năm của Việt Nam. Nhóm khách quốc tế kì vọng tiếp tục đà tăng trưởng trong 2025 do chính sách kích thích du lịch của Việt Nam, lượng khách từ châu Âu, Úc, Mỹ đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh do chính sách đơn giản hóa thủ tục cũng như cấp thị thực điện tử cho khách du lịch có thể nhập cảnh nhiều lần được áp dụng từ cuối 2023.
2. Sản lượng hàng hóa qua cảng hàng không Việt Nam dự kiến tăng 10-15% yoy
Sản lượng hàng hóa hàng không có thể sẽ giảm tốc độ tăng trưởng do mức nền cao của 2024, tuy nhiên chúng tôi đánh giá thông lượng hàng hóa qua cảng hàng không vẫn sẽ đạt mức tăng 10 – 15% so với 2024 do: hoạt động xuất nhập khẩu được đẩy mạnh, đầu tư FDI tăng trưởng tích cực đến từ các hiệp định thương mại tự do và hợp tác song phương Việt Nam kí kết với nhiều quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp có xu hướng đẩy mạnh hoạt động thương mại trước khi chính sách thuế của chính phủ ông Trump chính thức được áp dụng và giá cước vận tải biển dự kiến vẫn ở mức cao, thời gian vận tải nhiều tuyến bị kéo dài góp phần nâng cao sức cạnh tranh của vận tải hàng hóa hàng không so với vận tải đường biển.
3. Các dự án nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ
Theo quyết định số 648/QĐ-TTg về quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không và hệ thống sân bay giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch nâng tổng số sân bay lên 30 sân bay vào 2030 và 33 sân bay vào 2050.
Trong bối cảnh nhiều sân bay chủ chốt đang quá tải và hoạt động vượt công suất thiết kế dẫn đến tăng chi phí hoạt động như hiện nay, việc nâng cấp, mở rộng và xây mới các cảng hàng không là cần thiết và gấp rút, bên cạnh việc sẽ nâng cao năng lực khai thác, chất lượng dịch vụ cho các doanh nghiệp dịch vụ hàng không, việc mở rộng CSHT còn tạo điều kiện cho các hãng hàng không có thể tăng số chuyến bay và lượng tàu bay hoạt động, tác động tích cực tới lưu lượng hàng khách và hàng hóa thông qua cảng. Hiện nay 2 dự án lớn nhất đang được thực hiện bao gồm Nhà ga T3 – Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, trong đó Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đang được thi công nhanh hơn kế hoạch 2 tháng, Cảng HKQT Long Thành đang có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ đưa vào khai thác từ đầu 2026 thay vì cuối 2026 như trước đây.