BÁO CÁO NGÀNH THỦY SẢN
I. Kết quả kinh doanh 2024
1. Xuất khẩu cá tra dự kiến quay trở lại mức 2 tỷ USD, tăng trưởng chủ yếu đến từ Mỹ và các thị trường mới mở rộng
Xuất khẩu cá tra trong 11 tháng đạt 1.8 tỷ USD, tăng 10% YoY. Dự báo giá trị xuất khẩu trong tháng cuối năm tiếp tục phục hồi với tốc độ 10% nhờ nhu cầu nhập khẩu cho các dịp lễ hội cuối năm và rủi ro thuế cao trong 2025 khiến các nhà nhập khẩu tăng tích trữ hàng hóa. Tăng trưởng trong 2024 chủ yếu đến từ thị trường Mỹ và quốc gia khác khi các doanh nghiệp xuất khẩu cố gắng đa dạng hóa thị trường, nhằm giảm thiểu rủi ro tập trung. Giá bán thị trường Mỹ duy trì ở mức cao trong quý cuối năm (khoảng 3.1 USD/kg), nhưng vẫn duy trì được lợi thế giá so với các loại cá thịt trắng khác nhập khẩu vào Mỹ.
2. KQKD phục hồi phân hóa giữa các doanh nghiệp
Tăng trưởng doanh thu của VHC và ANV đạt lần lượt 22% và 7% YoY nhờ giá bán tại thị trường Mỹ phục hồi tốt hơn. Với tỉ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc ước tính chiếm 40%, ANV chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các loại cá thị trắng khác từ Nga và Trung Quốc khiến giá bán tiếp tục ở mức thấp so với 2023 mặc dù có sự phục hồi về sản lượng ở 2 chữ số. Ngoài ra, KBSV cho rằng việc Trung Quốc còn tăng nhập cá nguyên con với tỉ trọng tăng từ 15% vào 2018 lên 25% trong năm nay để chế biến khiến phần nào giảm giá trị gia tăng.
Điều này khiến biên EBIT của ANV đi ngang trong 9M2024. Trái lại, VHC đã tận dụng tốt sự phục hồi ở thị trường Mỹ (chiếm 42% giá trị xuất khẩu) khi xảy ra tình trạng căng thẳng hàng tồn kho. Biên EBIT của VHC cải thiện rõ ràng từ 4.7% trong quý 1 lên mức 12.7% trong quý 3-2024 nhờ giá bán cao hơn trong khi chi phí nuôi cá có xu hướng giảm mạnh.
II. Triển vọng xuất khẩu vẫn tươi sáng 2025
1. Triển vọng xuất khẩu tươi sáng
Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm tích cực với xuất khẩu cá tra sang Mỹ nhờ giá bán cạnh tranh trong khi hai mặt hàng thay thế gần nhất với cá tra là cá Minh Thái và Rô phi từ Nga và Trung Quốc tiếp tục gặp những yếu tố bất lợi trong 2025. Chỉ số lạm phát ưa thích của FED là lạm phát PCE đã giảm về mức 2.4% trong khi GDP quý 3 đạt 3.1% (cao nhất trong các quý của 2024) cho thấy kinh tế Mỹ vẫn đang diễn biến khả quan. Bên cạnh đó, khảo sát từ hiệp hội nhà hàng Mỹ vượt 100 điểm cho thấy kì vọng tích cực về tăng trưởng doanh thu trong 6 tháng tới sẽ thúc đẩy nhập khẩu thủy sản trong ngắn hạn. Chúng tôi kì vọng sản lượng xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng trưởng từ 5-10% trong 2025.
2. Thuế nhập khẩu vào thị trường Mỹ
Chúng tôi kì vọng mức thuế áp vào Trung Quốc dự kiến cao hơn so với các quốc gia còn lại, trong đó có Việt Nam, từ đó giúp cải thiện sản lượng nhập khẩu từ Việt Nam như mặt hàng thay thế. Việc hai mặt hàng thay thế với mức giá cạnh tranh với cá tra là rô phi và minh thái sẽ chịu áp lực thuế và rào cản thương mại vào Mỹ cao hơn, sẽ tác động tích cực đến giá bán cá đầu ra của doanh nghiệp Việt Nam.
3. TACN cho cá dự kiến tiếp tục ở mức thấp sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận
Theo USDA, giá bán các loại cây trồng (chủ yếu là lúa mì, ngũ cốc, ngô và đậu nành) dự kiến duy trì ở mức thấp hiện tại do sản lượng thu hoạch tại Mỹ và Brazil dự kiến tăng trưởng trên 10% nhờ thời tiết ôn hòa hơn trong khi tăng trưởng kinh tế yếu tại Trung Quốc sẽ hạn chế đà tăng giá. Giá đầu vào thức ăn chăn nuôi trung bình dự phóng ngang bằng so với 2024 nhưng mức thấp hơn từ 15%-20% so với 2023 giúp tăng biên lợi nhuận trang trại nuôi của doanh nghiệp. Chúng tôi tin rằng VHC và ANV sẽ được hưởng lợi nhất nhờ hệ sinh thái khép kín giúp trực tiếp tăng biên lợi nhuận gộp trang trại nuôi cá. Chúng tôi kì vọng biên gộp của VHC sẽ phục hồi lên trung bình khoảng 17%-17.5% (+200-250 bps so với 2024) giúp tăng trưởng LNST đạt 19-20% trong 2025.